A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và “Élite” (*) trẻ - Dương Thụ

Tôi quan sát thấy giới trẻ hiện nay ngông cuồng liều lĩnh hơn, muốn chứng tỏ, muốn làm khác người hơn thời bọn tôi…

 

8 mẩu suy nghĩ về giới trẻ và “Élite” (*) trẻ

 

Tôi quan sát thấy giới trẻ hiện nay ngông cuồng liều lĩnh hơn, muốn chứng tỏ, muốn làm khác người hơn thời bọn tôi…

1-  Tiếp xúc với các bạn trẻ, ở tầng lớp có học, một điều dễ nhận thấy là sự tự tin. Tự tin lắm. Khác với với bọn tôi khi còn trẻ thường rất rụt rè, nhất là đứng trước những người lớn tuổi, những người từng trải hơn mình, những người có tên tuổi, địa vị hơn mình. Nhưng tự tin do không hiểu mình ở đâu, mình nói với ai nói tóm lại do không hiểu mình thật sự là ai thì...

 

Nói chuyện với tôi vài lần, một nhạc sĩ trẻ tâm sự “Bây giờ cháu mới hiểu, cháu cũng không giỏi hơn chú” (dĩ nhiên có thể bạn ấy giỏi hơn, nhưng tự cho người khác kém mình khi chưa biết gì nhiều về người ấy thì không ổn lắm).

 

Tôi có cảm tưởng các bạn trẻ biết nhiều nhưng sự hiểu lại không được như thế. Khi không có sự cân bằng cần thiết người ta dễ trở thành kẻ ba hoa mà không hay biết, khiến thái độ tự tin của ta trở thành sự thiển cận đáng ghét.

 

Hiểu biết phải được tích lũy từ nhỏ, nó không đơn giản chỉ là việc tiếp thu kiến thức khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường, càng không chỉ là vấn đề tự học, cũng không chỉ bằng việc đọc, nghe xem (đấy là chưa nói tới việc đọc xem nghe cái gì) mà còn là những va chạm, trải nghiệm trong cuộc đời thực, là việc chúng ta sử dụng quĩ thời gian như thế nào cho việc tích lũy, là việc cơ thể của chúng ta được sống như thế nào (cơ bắp có thường xuyên vận động không, năm giác quan: thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác có được sống phong phú?). Hiểu biết được hình thành như thế làm nên sự tự tin.Cái tự tin ấy mới thật đáng quí và có lẽ nó là một trong những phẩm chất hàng đầu cần phải có nếu ta muốn thành công.
 

Nhạc sĩ Dương Thụ

 
2- Tôi quan sát thấy giới trẻ hiện nay ngông cuồng liều lĩnh hơn, muốn chứng tỏ, muốn làm khác người hơn thời bọn tôi. Ngông cuồng, liều lĩnh (chứ không phải là sự táo bạo), muốn chứng tỏ (chứ không phải là tự tôn), muốn làm khác người (chứ không phải là có cá tính) là những nét tâm lý thông thường thuộc về lứa tuổi là cái trẻ của tuổi mà gọi đúng chữ là trẻ con.

 

“Trẻ con” lâu quá là một điều không hay. Cái chúng ta cần là cái trẻ của sống chứ không phải là cái trẻ của tuổi, sống trẻ chứ không phải trẻ con. Các bạn trẻ lớn lên trong hoàn cảnh xã hội khác bọn tôi, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nhưng được gia đình và xã hội nuông chiều quá nên cái sự “trẻ con” này lâu quá có lẽ là điều khó thể tránh khỏi.

 

Thi sĩ Tản Đà đã từng than thở: Dân ba mươi triệu đâu người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.

 

Chính là cái trẻ con này đó. Sự trưởng thành của một thế hệ không tính bằng số tiền họ kiếm được mà bằng cái tầm văn hóa mà họ đạt tới, nhưng tôi nghĩ rằng nhiều bạn trẻ đã nghĩ khác. 

 

Biết kiếm tiền và kiếm được nhiều tiền, tuổi trẻ bây giờ khôn ngoan hơn thời bọn tôi nhiều lắm. Trong hoạt động văn hóa, họ “tiếp thị” rất giỏi và biết cách tự lăng xê mình. Hãy tham dự những cuộc triển lãm, những cuộc trình diễn, hãy đọc báo chí xem họ viết về họ thì sẽ hiểu thế hệ bọn tôi là một thế hệ khờ khạo. Trong một bài báo tôi có viết: “Khôn khéo lọc lõi là phẩm chất của sự già nua. Ngông cuồng muốn tỏ ra, muốn khác người lại là tính khí trẻ con. “Trẻ con” không làm ra nghệ thuật và sự “già nua” cũng thế” (Sống trẻ-Doanh nhân cuối tuần). Mà đâu chỉ ở trong nghệ thuật. Điều này đúng hầu như ở mọi lĩnh vực. Một thế hệ tốt không thể đồng sở hữu một lúc cả hai “phẩm chất” đối nghịch như thế.                                           

 

3- Tôi sống trong hẻm, suốt ngày nhạc thị trường, không muốn nghe cũng phải nghe. Trong hàng ngàn câu hát có một câu tôi bị nghe nhiều lần: “Tình yêu đến anh chẳng cần chi, tình yêu đi anh không hề hối tiếc”. Một sự vô cảm khủng khiếp. Dĩ nhiên đây chỉ là một câu hát, người viết ra nó, người nghe nó là giới trẻ song chắc không phải là những người tinh hoa trẻ tuổi nhưng nó vẫn khiến ta lo ngại và thật sự là một lời cảnh báo.

Trong vòng hơn chục năm trở lại đây dấu hiệu của sự vô cảm ngày càng rõ. Nội tâm nghèo nàn, phản ứng yếu ớt trước cái xấu, trước sự tha hóa, thích sự hào nhoáng choáng lộn bên ngoài, đánh mất phản ứng với cái giả... là những biểu hiện rõ nhất.

 

Đi theo sự vô cảm là một lối sống và một cách nghĩ cũng rất “có vấn đề”. Đập vào mắt tôi hàng ngày là những tấm biển quảng cáo của một hãng mỹ phẩm có một câu slogan “để đời”: “Sống là không chờ đợi”. Đây không phải là một câu nói chơi nếu ta nhìn vào những gì đang diễn ra hiện nay. Các bạn trẻ rất ưa chuộng thời trang và đổi mốt liên tục. Cái chưa thành đã phá bỏ để thay vào một cái khác, cuối cùng chẳng thành một cái gì cả. Cho nên chữ “đổi mới” có nguy cơ biến thành nơi ẩn náu của sự phá hoại.

 

Sống gấp, sống vội, sống với cái trước mắt, không nhìn thấy muốn làm được một cái gì đó phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phải có một quá trình, đương nhiên các bạn sẽ nôn nóng, thiếu kiên nhẫn, một thói xấu tai hại cản trở sự phát triển và ngăn trở người ta đến với thành công đích thực.  Nếu giới trẻ quả thật là như thế thì elité (tinh hoa) của họ sẽ ra sao?

 

4- Tôi thường nhận được một câu như thế này ở những người bạn trẻ tuổi: “Chú đúng là lơ mơ thật, chẳng thực tế một chút nào”. Quả thật các bạn trẻ đã nhận ra sự vượt trội của họ trong chuyện này. Tôi thì đã đành, lơ mơ bẩm sinh. Còn bạn bè tôi không đến nỗi tệ như thế, nhưng tôi thừa nhận là họ, so với lớp trẻ hậu sinh cũng “chẳng thực tế chút nào”. Tuy nhiên có một điều ta cần để ý là ranh giới giữa thực tế và thực dụng rất mong manh.

 

Trong cuộc sống, thực tế là tối cần thiết nhưng thực dụng thì nguy hiểm. Người thực dụng thì được nhiều (những giá trị vật chất) nhưng cũng mất nhiều (những giá trị tinh thần, thứ mà tiền bạc không thể mua được). Không biết các bạn đã suy nghĩ kỹ về điều này chưa. 

 

5- Mục đích của việc học tập là để tạo dựng tri thức nền tảng (văn hóa nền), hoàn thiện nhân cách và phát triển cơ thể để làm người. Giới trẻ bây giờ được sự ủng hộ của gia đình và xã hội có mục đích học cụ thể hơn nhiều: Học nhằm kiếm mảnh bằng để làm quan và để làm giầu. Việc hoàn thiện nhân cách và văn hóa nền bị đặt xuống hàng thứ yếu. Kết quả nằm ở những mẩu đối thoại sau đây:

 

- Bạn có lý tưởng không?

 

- Không!

 

- Bạn có mục đích sống không?

 

- Có.

 

- Mục đích ấy là gì?

 

- Học ngành ngân hàng, quản trị kinh doanh hoặc luật để có một chỗ làm tốt, lương cao…

 

Thế hệ sinh ra sau chiến tranh là thế hệ gì? Một câu hỏi mà tôi muốn các bạn trẻ trả lời..

 
(Ảnh minh họa)

 

6- Tôi có may mắn được làm việc cùng với các nhạc sĩ trẻ và có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ ở những ngành khác nhau. Nhiều người trong số họ là những nhân vật hàng đầu, tốt nghiệp ở những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Có thể coi họ là những élite đương đại. Thông minh, sắc sảo, có kiến thức chuyên ngành rất sâu, rộng và mở trong suy nghĩ về con người và nhiều vấn đề xã hội, điều mà bọn tôi phần lớn là hẹp và đóng hơn. Khả năng thích ứng với môi trường mới tốt hơn bọn tôi nhiều.

 

Nhưng... có vẻ họ chỉ sống trong hiện tại, cho hiện tại. Quá khứ nhẹ bồng, đôi lúc họ thăm viếng nó như một khách du lịch, đôi lúc chơi với nó như một thứ trò chơi trong những ngày lễ hội. Tôi là một người-ngày-xưa, hay để ý đến chuyện gốc và mất gốc nên lờ mờ nghĩ rằng chừng vài chục năm nữa, nếu cứ đà như thế này chúng ta sẽ có một Việt Nam khác, quốc tế hơn cả Singapore. Nước Việt Nam ấy sẽ có nhiều chuyên gia giỏi, nhiều công nhân tay nghề cao làm việc cho các Hãng, các tập đoàn siêu quốc gia, sẽ sử dụng một thứ siêu ngôn ngữ có tỷ lệ 10% từ thuần Việt, 40% từ Hán Việt, 50% từ tiếng Anh (ví dụ khi viết thư tình, cụm từ “anh yêu em” cầm chắc sẽ được thay thế bằng “I love you”) và người giầu có sẽ mở tài khoản ở các ngân hàng Thụy Sĩ, mua bất động sản ở Singapore, ở Pháp, Anh Quốc và Mỹ để lấy chỗ cho con cái đi học và cho mình nghỉ ngơi (còn dân trung lưu sẽ mua nhà ở Vientiane, Luang Prabang bên Lào để một năm vài tháng sang đó thụ hưởng đời sống thanh bình). Tôi mong rằng cái ý nghĩ lờ mờ này chỉ là do bị ám ảnh bởi những suy tưởng sai lầm của mình.

 

Người Việt Nam tinh hoa trước tiên phải là một người nặng nợ với nơi mình sinh ra, yêu tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc rồi mới nói đến trình độ học thức, sự chuyên sâu và một năng lực thẩm mỹ cao dựa trên nền tảng văn hóa cơ bản vững vàng, dầy dặn. Người tinh hoa phải có khả năng tỏa sáng và lôi cuốn người khác trong những công việc mang lại lợi ích cho nhân dân và Tổ quốc mình. Tinh hoa không chỉ là giá trị trên phương diện nhận thức mà còn là giá trị trên phương diện hành động. “Trí thức trùm chăn” thì dù giỏi đến mấy, tinh tế đến mấy cũng không thể gọi là tinh hoa được. Và những “trí thức mất gốc” thì cũng thế. 

 

7- Nhìn nhận giới trẻ như thế liệu có bi quan quá không?

 

Thời buổi này đáng sợ nhất là thái độ lạc quan tếu và sự ảo tưởng. Kết cục của nó sẽ là một bi quan tuyệt đối. Không ảo tưởng và cũng chẳng bi quan, cuộc sống là như thế. Những người có lương tâm một chút, hiểu biết một chút, ai cũng nhận ra sống bây giờ vui ít buồn nhiều bởi có rất nhiều cái chưa được, nhiều cái hỏng, nhiều sự thoái hóa ở ngay chính bản thân mình, của gia đình mình, của xã hội chứ chẳng cứ gì của giới trẻ.

 

Thật khó mà có thể cất cao giọng hát cái câu hát của anh Trịnh Công Sơn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Không có nhiều niềm vui đến như thế để chúng ta chọn lựa. Tôi đã trải qua một cuộc sống gian khổ mới nghiệm ra rằng chính nỗi buồn chứ không phải niềm vui, mới là quan trọng. Nhờ nó mà ta sống tốt hơn, nhờ nó mà ước muốn đổi thay, nhờ nó mà đi tới.  

 

8- Giới trẻ cũng có nhiều người hay, có những người thật sự là élite của xã hội mới, ở nhiều khía cạnh họ tinh hoa hơn bọn tôi nhiều lắm. Nhưng người élite trẻ thì có, còn giới élite trẻ thì chưa. Thế hệ bọn tôi cũng thế, cũng chưa nốt. Chỉ có thế hệ các cụ, những người tinh hoa làm thành hẳn một tầng lớp xã hội, tầng lớp này tham gia cách mạng trở thành những nhân vật chủ chốt của một cuộc lật đổ ngoạn mục nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại: Lật đổ chế độ thực dân xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một quốc gia độc lập có chủ quyền đầu tiên trong hệ thống thuộc địa Pháp…

 

Vậy làm thế nào để những người tinh hoa trẻ trở thành một tầng lớp, một lực lượng có vai trò dẫn đạo xã hội như các cụ ngày xưa (và như tất cả những gì mà giới élite ở các quốc gia phát triển khác làm được)? Người tinh hoa chẳng thể từ trên trời rơi xuống, nó vẫn là sản phẩm của một nền giáo dục, một hệ thống chính trị và một cấu trúc xã hội nhất định. Giới trẻ hiện nay chính là sản phẩm của nền giáo dục, hệ thống chính trị và cấu trúc xã hội của chúng ta. Tìm ra những khiếm khuyết của giới trẻ rồi đổ lỗi cho họ là sai lầm, là vô trách nhiệm.

 

Làm thế nào để có nhiều người trẻ tinh hoa, và để những người trẻ này liên kết với nhau thành thành một giới, một lực lượng giữ vai trò quyêt định tương lai của dân tộc? Câu hỏi này dành cho những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý và có thể là cả túi tiền của các đại gia.
 
(*) tạm dịch là tinh hoa.

 

 Dương Thụ

Theo Vietnamnet

Tags: 260 , 261
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật